Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Luân Đôn đứng đầu các thành phố có bất động sản cao cấp

Luân Đôn đứng số một trong các thành phố có bất động sản cao cấp trong năm thứ hai liên tiếp, theo báo cáo mới nhất từ tổ chức bất động sản quốc tế Christie’s International Real Estate (CIRE).
Báo cáo định nghĩa khái niệm thành phố bất động sản cao cấp bao gồm thị trường bất động sản nhà ở cao cấp phát triển, thị trường có xu hướng tăng trưởng trong tương lai và được so sánh với 10 thị trường bất động sản hàng đầu khác trên thế giới như Cote d’Azur, Hong Kong, Los Angeles, Miami, New York, Paris, San Francisco, Sydney, Toronto.
Chỉ số của CIRE xếp hạng các thành phố dựa trên các tiêu chí như tổng giá trị bất động sản cao cấp được giao dịch, giá bất động sản/đơn vị diện tích, tỉ lệ giữa người mua nội địa và người mua nước ngoài và tương quan giữa khối lượng bất động sản cao cấp và dân số của thành phố đó.
Luân Đôn đứng đầu trong danh sách với tổng khối lượng giá trị giao dịch nhà ở đạt 101,5 triệu USD và đạt trung bình 4.683 USD/đơn vị diện tích. Hồng Công đứng thứ hai với 2.578 USD/đơn vị diện tích. Ước tính trong năm 2013, số lượng bất động sản cao cấp tại Luân Đôn tăng 20%, tương đương 5.693 tài sản.
Luân Đôn đứng số một trong các thành phố có bất động sản cao cấp trong năm thứ hai liên tiếp
Báo cáo cũng cho biết, thành phố New York cũng có khối lượng giao dịch bất động sản cao cấp tăng mạnh mặc dù bất động sản tồn kho trên thị trường này vẫn ở mức khá cao. Trong khi đó, Los Angeles là thành phố đạt tổng khối lượng giao dịch cao nhất nước Mỹ với 74,5 triệu USD.
Mặc dù chính sách can thiệp chính phủ tác động lên khối lượng giao dịch trên thị trường bất động sản, Hong Kong vẫn đứng ở vị trí thứ tư với 83,8 triệu USD.
“Các thành phố lớn trên thế giới đang ngày càng trở nên hấp dẫn, Luân Đôn với đặc điểm là thị trường năng động, minh bạch và an toàn đang thu hút nhiều nhà đầu tư và người mua nhà trên thế giới. Một thành phố tuyệt vời để sinh sống”, Andy Martin, đại cổ đông của Strutt & Parker – chi nhánh của CIRE tại Anh nhận định.
Đỗ Hương (Propertywire

Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận

Chính Phủ vừa ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch điều chỉnh, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận gồm các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm Thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) sẽ có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha, quy mô dân số đến năm 2030 vào khoảng 700.000 - 750.000 người.
Mục tiêu quy hoạch bất động sản lần này nhằm xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

Bản đồ quy hoạch khu đô thị Dalat city

Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 8.000 - 9.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.000 - 3.500 ha. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 11.000 - 12.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.000 – 5.000 ha.
Đất phát triển du lịch sinh thái rừng đến năm 2020 dự kiến khoảng 3.000 - 4.000 ha, đến năm 2030 dự kiến khoảng 6.000 - 7.000 ha (phần lớn nằm trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất, không bao gồm mặt nước).
Đất xây dựng nông thôn khoảng 2.500 - 3.500 ha.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch bất động sản chung thì thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận gồm 4 phân vùng phát triển như sau
Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 11.600 ha bao gồm: Khu vực đô thi trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích khoảng 5.900 ha; Vùng đô thị chia sẻ chức năng bao gồm đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 2.600 ha và đô thị Finôm - Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 1.700 ha; các đô thị vệ tinh gồm đô thị Lạc Dương (huyện Lạc Dương) có diện tích khoảng 300 ha, đô thị Đ’ran là trung tâm kinh tế phía Đông (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 350 ha, đô thị Nam Ban (huyện Lâm Hà) là trung tâm kinh tế phía Tây có diện tích khoảng 500 ha, đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 350 ha.
Vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích khoảng 73.000 ha. Trong đó, vùng nông nghiệp (khoảng 70.400 ha) tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. Các điểm dân cư nông thôn tập trung có tổng điện tích khoảng 2.600 ha.
Vùng bảo tồn phát triển rừng có tổng diện tích khoảng 232.000 ha nằm tại vùng rừng phía Bắc (tại huyện Lạc Dương), xung quanh và phía Nam thành phố Đà Lạt (tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng).
Vùng phát triển du lịch sinh thái rừng có diện tích khoảng 6.500 ha bao gồm 04 khu du lịch chính: Khu du lịch hồ Đankia - Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch hồ Prenn, khu du lịch hồ Đại Ninh và các khu du lịch khác nằm phân tán trên toàn vùng.
N.Đăng

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Thế chấp nhà trên giấy ngân hàng sẽ bị ‘ép’ cho vay

Ngân hàng sẽ phải đối mặt với những rủi ro thị trường, tín dụng, dòng tiền, pháp lý, rủi kỹ thuật khi không định giá tài sản…

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra những rủi ro mà ngân hàng sẽ đối diện nếu cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo đó, ngân hàng không nên tham gia vào trò chơi này trừ khi được bảo hiểm thích đáng. Nhà nước có thể bảo hiểm cho ngân hàng nhưng khi đó rủi ro sẽ có tiềm năng chuyển sang vai của Chính phủ mà xét cho cùng cũng là người dân nộp thuế phải gánh chịu.
Gây rắc rối cho ngân hàng
PV: - Đề xuất mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, mua bất động sản hình thành trong tương lai của Bộ Xây dựng đã được thông qua. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại tỏ ra không mặn mà với quyết định này. Ông có đánh giá như thế nào về quy định mới này?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Bất động sản thường mang lại mức sinh lợi lớn cho nhà đầu tư nhưng cũng gây ra không ít rắc rối cho các ngân hàng. Tôi nghĩ các ngân hàng đang hiểu hơn ai hết những rắc rối hiện nay mà họ đang gặp phải.
Ngay cả khi cho vay để mua một dự án bất động sản đã hiện hữu thì ngân hàng cũng đã hết sức thận trọng, chưa cần phải nói đến một dự án bất động sản hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu đây là quyền mà không phải là nghĩa vụ thì có quyền vẫn tốt hơn là không có quyền nhưng nếu cố tình lập lờ quyền đó với cái nghĩa vụ thì không được. Trao quyền ở đây cũng phải có nghĩa là trao quyền tự quyết, tự chủ cho ngân hàng trong việc lựa chọn thực hiện hay không thực hiện quyền của mình. Nếu như không phải vậy mà là cái “bẫy” trá hình như một số ý kiến bình luận gần đây thì đúng là tai hại.
Quy định đó có thể mang lại một số lợi ích nhưng cũng có thể là rủi ro cho chính ngân hàng. Tôi nghĩ các ngân hàng đủ khôn ngoan để biết sẽ hành xử như thế nào, trừ khi có một quyết định có tính áp đặt nào đó từ chính nội bộ ngân hàng hoặc từ bên ngoài khiến cho ngân hàng không thể hành xử theo cái duy lý của họ.
Được phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai sẽ gây ra nhiều rủi ro về mặt tín dụng, rủi ro về mặt thị trường, rủi ro về mặt pháp lý...
PV: - Theo quan điểm của ông, việc nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai có thể tiềm ẩn những rủi ro nào? Ông có thể phân tích cụ thể, trong trường hợp dự án đã thế chấp nhưng chưa hoàn thành, doanh nghiệp mua nhà, người dân hay ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Đứng ở góc độ ngân hàng, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều rủi ro phát sinh. Đầu tiên là rủi ro thị trường. Như chúng ta biết tình hình thị trường bất động sản hiện nay nói chung vẫn rất ảm đạm, tồn kho bất động sản vẫn lớn. Theo tôi, thị trường bất động sản khó khởi sắc trong tương lai 5-7 năm tới.
Phải nhìn nhận rằng, thị trường bất động sản của chúng ta hiện nay rất bất cân đối, tức là chỗ thừa, chỗ thiếu, cả ở phía cầu lẫn ở phía cung. Nếu trước đây Chính phủ kịp nhận ra vấn đề và có động thái can thiệp và điều tiết kịp thời thì vẫn đề không quá trầm trọng như hiện nay.
Các phân khúc nhà ở giá cao thì dư cung, trong khi lại dư cầu ở phân khúc nhà ở giá thấp. Chính vì vậy, hiện nay cũng như trong tương lai, các dự án nhà ở giá thấp sẽ vẫn luôn có đủ sức cầu để hấp thụ. Nếu như ngân hàng chấp nhận tham gia vào các dự án này thì rủi ro có thể giảm đi, song phải chấp nhận là sẽ không thể có lợi nhuận nhiều được nhưng cái quan trọng ở đây chính là sự ổn định.
Rủi ro thứ hai là rủi ro tín dụng. Rủi ro này thực ra liên quan đến rủi ro thị trường. Các khoản nợ xấu của ngân hàng hiện nay phần lớn là do cho vay các dự án bất động sản không thể thu hồi.
Nếu bây giờ ngân hàng tiếp tục rót vốn vào thị trường bất động sản thì sẽ hết sức rủi ro. Nguyên tắc đầu tư là không nên để chung trứng vào trong một rổ. Cái rổ trứng bị đổ vỡ còn chưa lấy lại được thì liệu có nên bỏ tiếp trứng vào cái rổ đó không?
Rủi ro tiếp theo là rủi ro về dòng tiền. Chúng ta không biết được các dự án bất động sản khi nào sẽ hoàn thành, khi nào sẽ bán được, bán được bao nhiêu, bán được với giá nào... và thu nhập của người đi vay.
Nếu như dòng tiền từ dự án bất động sản được tạo ra không khớp với kế hoạch trả nợ và tái tài trợ của ngân hàng cũng sẽ tạo ra nguy cơ nợ xấu, hoặc nếu không sẽ phải tái cơ cấu lại kế hoạch trả nợ, làm phát sinh thêm chi phí giám sát và quản lý cho ngân hàng.
Rủi ro nữa là rủi ro kỹ thuật. Định giá một bất động sản hiện hữu đã hình thành đã khó, nay định giá một bất động sản hình thành trong tương lai càng hết sức khó khăn. Chúng ta có rất nhiều mô hình định giá nhưng quan trọng là các giả định thông số đầu vào.
Một rủi ro cũng không thể không nói đến là rủi ro đạo đức. Như tình hình thực tế thời gian qua cho thấy người ta có sơ sở để lo ngại đến vấn đề đạo đức của nhân viên thẩm định tín dụng, các tổ chức thẩm định giá tài sản…
Tình trạng cố tình nâng giá khống tài sản đảm bảo để tăng hạn mức cho vay vốn đã được phản ánh. Nay việc định giá tài sản hình thành trong tương lai lại càng có cơ sở để thổi phồng các giả định lạc quan về triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản.
Rủi ro cuối cùng là rủi ro pháp lý. Mặc dù đã có các hướng dẫn cụ thể về các thủ tục thế chấp, công chứng hợp đồng thế chấp, đăng ký thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm… song với tình trạng bất cập trong các quy định xử lý tài sản đảm bảo nợ vay tại ngân hàng hiện nay thì các thủ tục trên đây không đủ để giải quyết.
Như chúng ta biết, việc xử lý nợ xấu hiện nay gặp một trở ngại là xử lý tài sản đảm bảo. Mặc dù trong các hợp đồng thế chấp có công chứng luôn có điều khoản dành cho ngân hàng có quyền xử lý nợ để thu hồi nhưng lại có quy định phải có sự đồng ý của khách hàng. Quy định mâu thuẫn này vẫn chưa được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, nhiều lo ngại có tính pháp lý khác, chẳng hạn như việc dự án chậm tiến độ, giao nhà không đúng hạn, chủ dự án bị giải thể, phá sản, tình trạng chủ đầu tư thế chấp dự án ở nhiều ngân hàng khác nhau… Để giải quyết hết được các rủi ro này đòi hỏi phải có một hệ thống tòa án hữu hiệu. Rõ ràng đòi hỏi này là quá “xa xỉ” với chúng ta hiện nay.
Ngân hàng bị “ép” tham gia?
PV: - Thời gian vừa qua, liên tục những chính sách chỉ có lợi cho doanh nghiệp bất động sản được đưa ra khiến dư luận đặt câu hỏi về vấn đề lợi ích nhóm giữa những người ban hành chính sách và doanh nghiệp bất động sản. Ông có đồng tình với quan điểm này không? Áp vào việc cho thế chấp trên giấy vừa được thông qua, biểu hiện lợi ích nhóm được thể hiện như thế nào (nợ xấu bất động sản vẫn rất cao, ngân hàng bị đặt vào một chính sách tiềm ẩn đầy rủi ro)?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Tôi không có ý kiến liệu có lợi ích nhóm giữa những người ban hành chính sách và doanh nghiệp bất động sản hay không. Tuy nhiên, dựa trên nhiều quy định pháp lý liên quan, tôi nghĩ ngân hàng hoàn toàn có quyền chủ động trong việc chấp nhận cho vay hay không cho vay đối với bất kỳ một khách hàng nào dựa trên mục tiêu và chiến lược hoạt động của bản thân ngân hàng. Các đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro, cũng như yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng.
Tuy nhiên, điều người ta lo ngại chính là cái cấu trúc sở hữu chéo, sở hữu ngầm trong hệ thống ngân hàng, khiến cho các quyết định phân bổ vốn không dựa trên chuẩn mực thị trường, các hành vi ra quyết định bị che đậy, các quy định đảm bảo an toàn bị vô hiệu hóa.
Đối với các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, sự lo ngại là do các khoản cho vay chỉ định của Chính phủ. Bởi vì trên thực tế cho thấy Chính phủ thường có các can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng này, trong khi đó cơ quan giám sát ngân hàng lại trực thuộc Ngân hàng Nhà nước – một định chế vốn đã không được độc lập với Chính phủ - nên thường thiếu trách nhiệm giải trình.
Như vậy, nói là quyền nhưng lại có thể là nghĩa vụ. Nếu trước đây, khi không được trao quyền này thì bản thân các ngân hàng có thể xem đó như một rào cản pháp lý để có thể từ chối trách nhiệm tài trợ.
Song bây giờ thì rất khó lẩn tránh nghĩa vụ nếu như có quyết định nào đó áp đặt một chỉ tiêu cho vay lên các ngân hàng. Điều này có nguy cơ xảy ra không chỉ đối với các Ngân hàng thương mại nhà nước mà còn đối với cả các Ngân hàng thương mại cổ phần khi tình trạng sở hữu chéo hiện nay, cùng với sự mù mịt về người sở hữu cuối cùng, vẫn chưa được nhận diện và xử lý.
PV: - Liệu ông có thể dự đoán khả năng đi vào thực tế của chính sách cho thế chấp nhà trên giấy này, liệu có lặp lại kịch bản gói 30.000 tỷ hay sẽ rơi vào tình trạng… bi đát hơn? Liệu có khả năng ngân hàng sẽ bị “ép” cho vay để chính sách được đi vào thực tế không và vì sao, thưa ông?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Điều quan trọng là ngân hàng phải đánh giá được uy tín tín dụng và năng lực trả nợ của khách hàng một cách khách quan. Nếu tài trợ cho chủ dự án thì phải đánh giá năng lực tài chính và tính khả thi của dự án nhà ở; còn tài trợ cho người mua nhà thì phải căn cứ vào thu nhập của họ.
Với một giả định hoàn hảo là mọi thứ này đều tốt, khi đó ngân hàng vẫn nên tài trợ vốn cho khách hàng và thậm chí không cần phải quan tâm đến tài sản đảm bảo, chưa cần nói đó là tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai.
Trên thực tế, một khoản cho vay tín chấp trả góp từ nguồn thu nhập trong tương lai của khách hàng cũng có bản chất là đảm bảo bằng nguồn tài sản (tức thu nhập) hình thành (tức kiếm được) trong tương lai. Do vậy, việc cho phép thế chấp một tài sản là nhà ở chẳng hạn hình thành trong tương lai cũng không phải là điều gì đó quá xa lại với nguyên lý cho vay.
Tuy nhiên trong thực tế, đặc biệt khi nhìn vào tình hình hiện nay thì quả là hết sức rủi ro, hết sức mạo hiểm để đưa ra các quyết định cho vay không có đảm bảo hay cho vay dựa trên sự đảm bảo không chắc chắn trong tương lai.
Tôi nghĩ bản thân các ngân hàng sẽ thừa biết phải cân nhắc như thế nào rồi. Nếu như các lãnh đạo ngân hàng là độc lập thì họ sẽ hành xử theo kiểu ngại rủi ro và họ sẽ hành xử rất thận trọng.
Ngược lại, khi có một số cổ đông lớn có quyền chi phối hoạt động điều hành thì hành xử của ngân hàng sẽ khác. Trong điều kiện một số ngân hàng đang bị suy yếu vốn, thì tâm lý là thích rủi ro, có thiên hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn.
Biểu hiện của nó là các ngân hàng này sẽ chấp nhận tài trợ vốn nhưng đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý là trong một thị trường tài chính không hoàn hảo thì lãi suất có thể bị đẩy lên cao do bất cân xứng thông tin và tình trạng định giá sai. Trong trường hợp này thì nguy cơ ngân hàng bị “ép” cho vay là hoàn toàn có thể xảy ra.
PV: - Để cứu thị trường bất động sản đồng thời hỗ trợ người dân có nhà, theo ông, sự can thiệp của ngân hàng có thể có là gì?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Cứu thị trường bất động sản và hỗ trợ người dân có nhà là hai việc khác nhau, không nên nhầm lẫn mà ghép chung vào. Mong muốn người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp có nhà ở là hoàn toàn chính đáng.
Đối với nhiều người, đặc biệt là người nghèo, có được một căn nhà để ở mà không phải ở nhờ hay đi thuê là ước muốn, thèm khát nhưng nhiều khi nó lại trở thành cái mà người ta lợi dụng.
Ở góc độ ngân hàng, họ không có lý do gì và càng không thể can thiệp nhằm đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân nói chung. Hơn nữa, bản thân ngân hàng hiện cũng đang sa lầy vào cái “của nợ” bất động sản mà tự bản thân họ cũng khó có thể thoát ra được, lấy gì có thể gọi là hỗ trợ người dân có nhà.
Nếu nhìn tích cực hơn một chút thì rõ ràng các ngân hàng cũng muốn cho vay hỗ trợ nhà ở cho người dân. Tuy nhiên đừng quên rằng mục tiêu của họ vẫn phải là lợi nhuận.
Tôi thiết nghĩ ngân hàng không nên tham gia vào trò chơi này trừ khi anh được bảo hiểm thích đáng. Nhà nước có thể bảo hiểm cho ngân hàng nhưng khi đó rủi ro sẽ có tiềm năng chuyển sang vai của Chính phủ mà xét cho cùng cũng là người dân nộp thuế phải gánh chịu.
Nếu như một chính sách thuế có tính công bằng dọc thì một chính sách bảo hiểm như vậy của Chính phủ vẫn có thể chấp nhận được. Thế nhưng trên thực tế không dễ như vậy. Sự chi phối của các nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi luôn làm cho các chính sách, từ khâu thiết kế cho đến khi thực thi luôn bị bóp méo hoặc thậm chí là bị lợi dụng, ngay cả khi ý định của những nhà hoạch định chính sách là hết sức tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tâm An (Đất Việt)

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Tổng hợp sự kiện bất động sản nổi bật tuần 3 tháng 5

Lo ngại giá nhà đất thời gian tới có thể tăng hơn nữa, nhiều người không chần chừ tìm mua nhà. Tuy nhiên, để mua được nhà dự án khách hàng cũng trầy trật khi hầu hết phải qua tay “cò”, chấp nhận trả tiền chênh với số tiền không nhỏ. Không chỉ thế, nhiều dự án còn “thổi giá” tạo nên cơn sốt giả tạo để bán hàng. Và đáng thất vọng hơn khi chiêu thức đó không ai khác mà do chính chủ đầu tư dự án bày ra


Nhà đất chưa ấm đã vội “sốt”
Mua nhà với giá chênh lệch từ vài chục đến vài trăm triệu không còn là chuyện mới lạ trên thị trường bất động sản Hà Nội nhưng thời gian gần đây câu chuyện làm giá tại một số dự án càng nở rộ.
Thị trường vừa mới manh nha những tín hiệu tích cực thì người mua nhà đã phải trả khoản tiền chênh lệch đến cả trăm triệu đồng so với giá gốc cho “cò” nhà đất để sở hữu một căn hộ như ý muốn.
Từ ngày 25/6 sẽ thay đổi cách tính mức đóng góp quản lý nhà chung cư
Mức đóng góp kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được tính theo tháng và phân bổ theo diện tích thông thủy của căn hộ hoặc phần nhà khác không phải là căn hộ nhà chung cư (kể cả diện tích nhà để xe) thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu nhà chung cư.
Hình minh họa
Đừng quá háo hức trải thảm đỏ rước FDI
Cần phải suy nghĩ và dè chừng việc Trung Quốc đầu tư về kinh tế, bằng số tiền mà họ có trong tay.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cảnh báo trước tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực kinh tế khác tại Việt Nam.
“Tiền chùa" ở chung cư: Ôm trăm tỷ, "nhả" nhỏ giọt
Con số 2% quỹ bảo trì thu được tại mỗi khu chung cư lên tới vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều nơi bị các chủ dự án “ôm tất” hoặc chỉ chịu “nhả” nhỏ giọt cho qua chuyện…
Trên thực tế tại nhiều chung cư đã sử dụng nhiều năm nay thì vấn đề quỹ bảo trì chung cư lại không được thực hiện rành mạch như quy định khi chủ đầu tư cố “ôm” số tiền đã thu để hưởng lợi. Bởi lẽ, số tiền của quỹ bảo trì chung cư lên đến 2% giá trị các căn hộ được bán thì tại mỗi dự án có hàng trăm căn hộ, tổng số tiền quỹ này sẽ là con số không nhỏ.
Giá nhà thu nhập thấp sẽ… thấp?
Trước nhiều ý kiến cho rằng nhà ở xã hội đang có giá cao ngang ngửa nhà thương mại dù chủ đầu tư được hưởng vô số những ưu đãi của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác đầu tư và xây dựng giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại 3 thành phố lớn. Người dân liệu có thể hy vọng giá nhà thu nhập thấp sẽ thấp thật sự sau đợt thanh kiểm tra này?.
Đất vàng bỏ hoang, nhiều 'con' họ UDIC bết bát, tù tội
Nhiều công ty con họ “UDIC” đang làm ăn thua lỗ và một số khác thì dính vào vòng lao lý vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Hàng loạt lãnh đạo công ty con mang “họ” UDIC vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đổi đời nhờ xây mới chung cư Thanh Đa
Sau khi chung cư mới hoàn thành, cư dân sẽ được bố trí căn hộ đúng vị trí nhà cũ và không phải trả thêm tiền nếu diện tích nhà mới lớn hơn nhà cũ.
“Giá thành căn hộ mới chắc chắn sẽ cao hơn căn hộ cũ, diện tích cũng có thể rộng hơn nhưng người dân không phải trả thêm đồng nào. Chính sách phải công bằng, công khai, minh bạch thì người dân mới không khiếu nại” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định.

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Bất động sản dân hỏi luật sư trả lời

Gia đình tôi hiện đang sử dụng một mảnh đất có diện tích khoảng 10m2. Mảnh đất có vị trí liền kề với khu nhà ở với gia đình tôi

Gia đình tôi đã sử dụng mảnh đất này từ trước năm 1954 và đã xây tường bao quanh. Mới đây nhà tôi có làm một cái mái che trên mảnh đất đó để che mưa che nắng và tiện sinh hoạt.
Hiện nay có một chị hàng xóm sống bên ngoài tường bao đó đang kiện nhà tôi làm cái mái che, mặc dù nó không lấn sang đất và làm đổ nước mưa sang nhà chị ấy.
Vấn đề là UBND phường buộc nhà tôi phải dỡ bỏ cái mái che. Phường giải quyết như trên có đúng luật không?
Nhà tôi có quyền làm gì trên mảnh đất đó? (Mảnh đất từ trước đến nay chưa có tranh chấp gì).
dungmaico@...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội
Căn cứ theo điều 266- BL Dân sự 2005: Điều 266. Quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản
1. Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.
Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
Như vậy, việc làm mái che trên phần mốc giới ngăn cách các bất động sản phải được sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản liền kề. Căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự thì việc UBND yêu cầu nhà bạn phải dỡ bỏ mái che là đúng quy định pháp luật.

Nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc quay đầu sang Mỹ

Mỹ là điểm đến số một của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc trong quý I/2014. Theo thống kê của website bất động sản hàng đầu Trung Quốc thì TQ đã quay đầu tìm bến đỗ mới

Theo đó, có tới 16,98% nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đổ vào thị trường Mỹ trong quý đầu của năm 2014. Los Angeles, New York và San Fransico là những thành phố nhận được lượng đầu tư bất động sản lớn nhất.
Bất động sản Mỹ luôn hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á

Người mua bất động sản Trung Quốc đang tăng khối lượng đầu tư đáng kể vào thị trường nước ngoài với con số dự tính 5 tỉ nhân dân tệ hoặc hơn trong năm 2014, mức đầu tư tăng vọt từ 26,75% năm 2013 lên 40,86% trong năm nay.
Australia đứng thứ hai với 13,70%, xếp sau lần lượt là các nước Canada (10,22%), Anh (9,62%) và Malaysia (8,55%). Singapore xếp vị trí thứ chín trong danh sách các điểm đến của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc với 4,29%

Nhà ở xã hội dân mỏi mòn chờ còn nhà đầu tư tìm cách né

Trong khi người có thu nhập thấp mỏi mòn chờ các dự án nhà ở xã hội, thì nhiều chủ đầu tư bất động sản hoặc để phần đất xây nhà ở xã hội cho cỏ mọc, hoặc xây dựng đối phó ở những phần đất “chiêm khê, mùa thối”.

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có báo cáo sơ bộ gửi Bộ Xây dựng kết quả kiểm tra sử dụng quỹ đất 20% tại 12 dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong số 12 dự án nhà ở, khu đô thị mới của Hà Nội được tiến hành kiểm tra, có 1 dự án không dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội theo quy định. Trong 11 dự án có dành quỹ đất, chỉ có 3 dự án triển khai xây nhà ở xã hội, 3 dự án chuyển đổi sang xây dựng nhà tái định cư, còn lại cho chuyển đổi sang nhà ở thương mại, hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Đại diện cơ quan chức năng không thông tin cụ thể về tình trạng vi phạm tại từng dự án, nhưng quan sát thực địa của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, có rất ít dự án tuân thủ quy định về đầu tư quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.
Tại Khu đô thị mới Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư bất động sản thì hầu hết hạng mục chung cư cao tầng và nhà ở thấp tầng thương mại đã hoàn thành việc xây dựng và bán đến tay khách hàng, nhưng không tìm thấy bất cứ khu nhà, hoặc khu đất nào được quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội.
Khu đô thị mới Trung Văn
Tại Khu đô thị mới Trung Văn do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) làm chủ đầu tư bất động sản có tổng diện tích 13 ha, trong đó đất ở là 121.178 m2, theo quy định, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 0,2 ha để xây dựng nhà ở xã hội. Dự án được quy hoạch 5 khối nhà cao tầng và các khối nhà thương mại thấp tầng, nhưng không có bóng dáng của khối nhà ở xã hội.
Khu đô thị Thành phố Giao Lưu
Khu đô thị Thành phố Giao Lưu (Cầu Diễn, Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) do Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vigeba làm chủ đầu tư, trong khuôn viên dự án rộng hơn 95 ha, hoàn toàn không có một khu nhà ở xã hội được xây dựng, hoặc khu đất quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội trong tương lai. Nhiều phần đất trong dự án được giao cho các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà ở thương mại đến nay cũng tiến hành dở dang, công trình nằm bất động.
Thực tế tại một số dự án bất động sản có đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người mua nhà cũng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, do dự án nằm ở những vị trí không thuận tiện. Tại các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành như Kiến Hưng (Hà Đông), Đại Mỗ (Từ Liêm) hay Sài Đồng (Long Biên), số căn hộ bỏ trống khá nhiều. Nguyên nhân chính là do các dự án đều nằm cách xa trung tâm Thành phố, thiếu những hạ tầng tối thiểu cho cuộc sống.
Điển hình là khu nhà ở xã hội tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) do Công ty Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành 3 tòa cao 19 tầng là 19T3, 19T5 và 19T6 với tổng số 864 căn hộ. Khu nhà nằm biệt lập với khu dân cư, không trường học, không đèn đường, không điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa; quỹ đất làm sân chơi cho trẻ cỏ mọc um tùm. Dự án nhà ở xã hội tại Sài Đồng (quận Long Biên) cũng trong tình trạng tương tự.
Mải mê với các dự án kinh doanh nhà ở thương mại, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã quên mất nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định 188/2013/NĐ- CP của Chính phủ và Quyết định 26/2010/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội. Trong khi người có thu nhập thấp mỏi mòn chờ đợi các dự án nhà ở xã hội, thì nhiều chủ đầu tư hoặc né tránh, hoặc xây dựng một cách đối phó các khu nhà ở xã hội ở những phần đất “chiêm khê, mùa thối”.
Tiêu đề bài viết được thay đổi theo CafeLand
Hà Quang (Đầu tư)