Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Tiết lộ “động trời” của một chủ dự án ở Hà Nội

Phải sắm nhiều vai, kể cả vào vai doanh nhân người Nhật, phóng viên VOV mới điều tra ra sự thật “động trời” về vụ tham nhũng lớn liên quan đến Dự án Chợ Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Loạt phóng sự điều tra này còn cho thấy một thực tế: Vì sao Việt Nam nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn nhưng vẫn gặp phải cái nhìn quan ngại từ phía nhà đầu tư ở nước ngoài?     

Bài 1: Không có năng lực vẫn chắc chắn thắng thầu

Chứng cứ khó chối bỏ

Trong quá trình hợp tác, phát hiện đối tác liên tục có hành vi phạm pháp, ông Nguyễn Văn Toàn, doanh nhân định cư tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Đầu tư Toàn Thắng (Cty Toàn Thắng), đã có đơn tố cáo gửi Báo VOV.

Để có được bằng chứng, ông Toàn đồng ý để phóng viên VOV đóng vai người của Cty Toàn Thắng tham gia các buổi làm việc giữa ông Toàn với ông Khúc Duy Thành, Giám đốc  Cty CP Xây dựng & Đầu tư Thái Thịnh (Cty Thái Thịnh) - Chủ dự án Chợ Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Có hai lần, phóng viên VOV còn vào vai “Ủy viên HĐQT doanh nghiệp Nhật Bản”, “bay từ Nhật Bản về”, cùng với ông Toàn trực tiếp đàm phán với ông Thành về quá trình hợp tác kinh doanh Chợ Kim Nỗ.

Khi có nhiều bằng chứng là các băng ghi hình thể hiện nội dung tương đối thống nhất về hành vi phạm pháp với số tiền rất lớn của ông Thành qua 4 buổi làm việc với đối tác ở nước ngoài, phóng viên VOV cùng nhiều báo khác chính thức làm việc với ông Thành vào ngày 5/7/2013.

Sau phút ngạc nhiên đến mức suýt rơi điện thoại đang cầm trên tay, ông Thành đã bình tĩnh nghe đầy đủ nội dung các câu hỏi mà phóng viên đặt ra về tính xác thực của nội dung 4 buổi làm việc trước đó. Tuy nhiên, ông Thành không hề bác bỏ một nội dung nào, mà chỉ nói: “Các anh chơi không đẹp”, “Nội dung thì chỉ có thế, không có gì phải nhắc lại”, đồng thời xin số điện thoại của phóng viên để tiện liên hệ.

Tiếp tục xác minh, củng cố chứng cứ về những “tiết lộ” động trời của ông Thành qua 4 buổi làm việc, nhóm phóng viên đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng và các cá nhân liên quan trên địa bàn huyện Đông Anh vào những ngày sau đó.

Khu chợ tạm trong thời gian triển khai dự án chợ Kim Nỗ theo chủ trương của TP.Hà Nội
Khu chợ tạm trong thời gian triển khai dự án chợ Kim Nỗ theo chủ trương của TP.Hà Nội

Từ người thợ mộc thành ông chủ dự án

Ông Khúc Duy Thành tự bạch: “Bản thân em học hành cũng chẳng thành đạt cho lắm, nhưng em được cái là may mắn. Em có làm dự án bao giờ đâu. Đầu tiên, đi bộ đội về làm thợ hàn xì, là công nhân cơ khí, sau làm thợ mộc, rồi xoay sang làm thợ xây dựng. Mấy năm làm thì được bên quân đội, công an khu vực giúp đỡ mình. Lúc đầu vốn không có, chỉ xây dựng vài công trình như nhà cấp 4, vài bức tường rào, hay cái bếp, rồi có lúc cũng nhận được cái nhà to to”.

Về Dự án Chợ Kim Nỗ, ông Thành nói: “Em phải cố gắng lắm để làm bằng được dự án này. Vào đầu năm 2007, có ông anh ở huyện bàn với em, tới đây huyện Đông Anh sẽ phát triển theo hướng xã hội hóa đầu tư Chợ Kim Nỗ. Lúc đó cũng vui nhưng cũng lo, không biết làm thế nào và tiền ở đâu ra? Bao nhiêu vấn đề lúc đó đặt ra, rồi sau đó em đến bàn với anh Toàn...”.

Và hơn 1 năm sau, ngày 19/6/2009, ông Thành thành lập Cty CP Xây dựng & Đầu tư Thái Thịnh (Cty Thái Thịnh) do ông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ngày 11/9/2009, ông Thành ký “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Cty Toàn Thắng do ông Nguyễn Văn Toàn làm Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Quý Dương làm Giám đốc Cty đại diện ở Việt Nam.

Hợp đồng có nội dung: “Góp vốn, hợp tác đầu tư để xây dựng và quản lý, khai thác kinh doanh Chợ Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tỷ lệ góp vốn đầu tư: Cty Toàn Thắng 60%; Cty Thái Thịnh 40%. Trong quá trình thực hiện mọi vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án, Cty Thái Thịnh phải có trách nhiệm thông báo cho Cty Toàn Thắng biết để cùng bàn bạc và xử lý cũng như việc góp vốn”.

Chắc chắn trúng thầu

Để thuyết phục được Cty Toàn Thắng ký hợp đồng góp 60% vốn vào dự án, ông Thành đã nhiều lần khẳng định chắc chắn sẽ thắng thầu, bởi ông đã xây dựng được mối quan hệ với chính quyền xã Kim Nỗ và huyện Đông Anh.

Bằng chứng làm ông Toàn bị thuyết phục nhất về sự chắc chắn thắng thầu của Cty Thái Thịnh là ngay từ khi chưa tổ chức đấu thầu, ông Thành cho biết, đã biết rõ các mốc giới, diện tích của Dự án Chợ Kim Nỗ từ đâu đến đâu, rồi tiến hành cho xây tường bao quanh khu đất của dự án.

Chính vì thế, ngay sau khi ký Hợp đồng hợp tác, theo đúng cam kết về tỷ lệ góp vốn, ông Toàn đã phải chuyển ngay cho Cty Thái Thịnh 690 triệu đồng, tương đương 60% chi phí xây tường rào mà ông Thành nói Cty Thái Thịnh đã bỏ ra để  xây tường rào, dù 7 tháng sau, Dự án mới được đưa ra đấu thầu.

Tuy nhiên, sau đó ông Toàn vẫn băn khoăn bởi ông Thành tiếp tục yêu cầu Cty Toàn Thắng phải tiếp tục đầu tư những khoản tiền không hợp pháp và không hợp lý. Trong khi đó, tại Quyết định số 3328/QĐ-UBND, ngày 22/8/2007, do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Phí Thái Bình ký, ghi rõ điều kiện, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án là phải: “Có tư cách pháp nhân; Có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp; Có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại; Có tiềm lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác chợ...”.

Theo chính lời ông Thành và căn cứ vào hồ sơ, thì Cty Thái Thịnh mới thành lập hơn 1 năm, Dự án Chợ Kim Nỗ là dự án đầu tiên Cty tham gia, năng lực chuyên môn không có, vốn liếng cũng không, phải chèo kéo Cty Toàn Thắng tham gia góp vốn tới 60%.

Nhưng kết quả lại đúng như lời khẳng định của ông Thành, ngày 19/7/2010, Cty Thái Thịnh đã chính thức trúng thầu Dự án Chợ Kim Nỗ, có diện tích 7.906m2 và tổng dự toán trên 30 tỷ đồng.

Sau 3 năm trúng thầu, dự án chợ Kim Nỗ vẫn trong tình trạng dở dang
Sau 3 năm trúng thầu, dự án chợ Kim Nỗ vẫn trong tình trạng dở dang

“Quân xanh, quân đỏ”

Sáng ngày 25/6/2013, tại trụ sở Cty Toàn Thắng, cùng với sự có mặt của ông Toàn, phóng viên VOV đóng vai là một thành viên HĐQT mới từ Nhật về, muốn nghe lại toàn bộ quá trình thực hiện và tham gia đấu thầu Dự án Chợ Kim Nỗ.

Tại cuộc làm việc, ông Toàn nêu rõ: Trong thời gian hợp tác, Cty Toàn Thắng đã nhiều lần có công văn, điện thoại và trực tiếp làm việc, đặt vấn đề góp vốn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do Cty Thái Thịnh đòi phải trả trước phần chi phí ngoài, trong đó có chi phí quan hệ, bôi trơn mà ông Toàn cho là bất hợp pháp và không hợp lý, nên việc góp vốn bị dừng lại.

Còn ông Thành thì hy vọng lần này đối tác nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư cho dự án đang dở dang (thực tế sau 3 năm vẫn gần như chưa triển khai được gì nhiều) nên đã cởi mở hết lòng.

Ông Thành lại khoe có mối quan hệ rất gắn bó rất sâu sắc với chính quyền địa phương, nói rõ từng tên, từng thành phần chức vụ cán bộ xã, cán bộ huyện, ai là người giúp đỡ, giúp như thế nào, “lại quả” ra sao và vì sao ông chắc chắn sẽ trúng thầu 100%.

Ông Thành kể rất chi tiết đã bàn với cán bộ huyện và xã, rồi “quân xanh, quân đỏ” đều là người do ông Thành “dựng” lên. Ông Thành cho biết: “Có 5 đơn vị tham gia đấu thầu, trong đó có Cty Thái Thịnh, còn 4 đơn vị khác là do em bàn với họ. Theo Luật Đấu thầu, mỗi đơn vị tham gia phải “bỏ” ra 1 tỷ. Mà họ chỉ giúp mình tham gia đấu thầu thôi, còn tiền mình phải ứng cho họ chứ...”.

Theo ông Toàn, ông rất muốn tham gia đầu tư, nhưng phải làm đúng pháp luật, vì thế ông chỉ chuyển cho ông Thành 1,5 tỷ để đóng cái suất của Cty Thái Thịnh, và từ chối việc tạm ứng 4 tỷ cho 4 đơn vị tham gia đấu thầu.

Vì ông Toàn không ứng 4 tỷ đồng đóng thay cho 4 đơn vị “quân xanh” nên ông Thành kêu khổ, phải tự chạy vạy.

Ông Thành kể: “Tiền tỷ nhà em lấy đâu ra. Em phải thế chấp nhà mà vẫn không đủ. Trong một ngày, một đêm vợ chồng em phải lo bằng được, kể cả đi vay lãi cao 10 đến 15%. Em phải chấp nhận để có 4 tỷ chuyển vào tài khoản cho 4 Cty kia. Lúc đó em khẳng định với anh Toàn chắc chắn là sẽ trúng thầu, vì em đã bàn rất kỹ và thống nhất với chính quyền rồi. “Quân xanh, quân đỏ” đều là của mình cả. Cán bộ xã, cán bộ huyện em đều Ok rồi. Thế mà anh ấy không tin em...”.

Cũng lời ông Thành: “Chờ trúng thầu lâu quá, em có ý định bỏ cuộc vì 2 lý do. Một là, đã đóng hơn 1 tỷ đồng, trót ném tiền “bôi trơn” cứ tồm tộp như ném đất xuống sông. Hai là, cũng không biết thế nào cho vừa để được dự án này. Mà có được thì lấy tiền đâu ra vài chục tỷ để đầu tư tiếp? Lúc bấy giờ em đã nhảy sang lĩnh vực xây dựng đâu...”.

Kết thúc câu chuyện, ông Thành mời chúng tôi tham quan khu vực dự án. Tất cả vẫn ngổn ngang. Phần chính của khu chợ chưa hề được xây dựng mét vuông nào; các hộ kinh doanh vẫn bày bán những mặt hàng trên nền chợ cũ; có 37/80 ki-ốt đã xây, thực tế là những ngôi nhà liền kề 2,5 tầng theo kiểu nhà ở cho từng hộ gia đình. Nhìn chung, sau 3 năm trúng thầu, ông Thành mới thực hiện được khoảng 25 - 30% khối lượng công trình.

Đến chiều ngày 25/6/2013, ông Thành mời chúng tôi về trụ sở Cty Thái Thịnh và bố trí máy chiếu màn ảnh rộng giới thiệu quy mô dự án cùng với hệ thống camera đang theo dõi hoạt động công trường Chợ Kim Nỗ cách trụ sở chừng 25km.

Ông Thành còn khoe, rồi trình chiếu một dự án xây dựng chợ ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có quy mô gần gấp đôi Chợ Kim Nỗ, và nói: “Nếu muốn đầu tư em sẽ “bắn” sang cho các anh toàn bộ dự án này, ngon hơn, lớn hơn và tiền “bôi trơn - lót bi” cũng ít hơn nhiều so với Chợ Kim Nỗ. Em sắp “nhảy” vào một dự án mới cũng trên địa bàn huyện Đông Anh, cách Chợ Kim Nỗ không xa... Quan hệ có hết rồi, cách làm cũng Ok rồi, chỉ tội không có tiền thôi. Các anh ở nước ngoài có tiền, nếu phối hợp là em Ok hết”.

Kết thúc buổi làm việc, ông Thành cho biết, nếu Cty Toàn Thắng muốn toàn quyền đầu tư, kinh doanh Dự án Chợ Kim Nỗ thì đưa cho ông 80 tỷ đồng; còn nếu tiếp tục cùng đầu tư thì phải chấp nhận nộp các khoản tiền, kể cả tiền “bôi trơn” các quan chức để trúng thầu dự án, theo đúng tỷ lệ 60/40.

“Cái bẫy” Hợp đồng hợp tác

Ngày 21/8/2013, làm việc với Ban Quản lý Dự án huyện Đông Anh, phóng viên VOV được biết, trước khi tham gia đấu thầu Dự án Chợ Kim Nỗ, Cty Thái Thịnh còn ký một “Hợp đồng hợp tác kinh doanh - góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác ba chợ” với một doanh nghiệp có tên là Cty TNHH Xây dựng Hải Âu (Cty Hải Âu) tại TP. Bắc Giang. Hợp đồng này có trong Hồ sơ dự thầu, cũng có tỷ lệ góp vốn như hợp đồng  ký với Cty Toàn Thắng: Cty Hải Âu góp 60%, Cty Thái Thịnh góp 40%.

Ông Nguyễn Văn Toàn đã vô cùng ngạc nhiên khi biết thông tin này. Chỉ đến lúc này ông Toàn mới ngớ ra khi hiểu rằng Hợp đồng hợp tác cùng góp vốn đầu tư để xây dựng và quản lý, khai thác kinh doanh Chợ Kim Nỗ, được ký giữa 2 Cty với tỷ lệ góp vốn của Cty Toàn Thắng  chiếm tới  60% nhưng không được ông Thành đưa vào hồ sơ dự thầu Dự án Chợ Kim Nỗ. Có nghĩa là Cty Toàn Thắng không có danh nghĩa pháp lý gì đối với Dự án Chợ Kim Nỗ. Trên thực tế, trong quá trình triển khai dự án, Cty Thái Thịnh đã tự ý quyết định và đưa ra yêu cầu các khoản chi phí, dù là bất hợp pháp, để bắt Cty Toàn Thắng phải chấp nhận, nếu không thì dọa sẽ chấm dứt hợp đồng.     

Đến đây, dấu hiệu lừa đảo doanh nhân định cư ở nước ngoài trong hoạt động đầu tư Dự án Chợ Kim Nỗ của ông Khuất Duy Thành đã rõ. Tất nhiên, hành vi phạm pháp của ông Thành không chỉ có thế./.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Gói 30.000 tỷ giải ngân chậm: Tại sao?

Tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng rất chậm khi sau 2 tháng, mới chỉ có chưa đến 100 tỷ đồng được giải ngân. Vậy nguyên nhân là gì?

Sau 2 tháng triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất mua nhà ở, tổng số tiền giải ngân được là chưa đến 100 tỷ đồng, một con số rất nhỏ so với 30.000 tỷ đồng quy mô của cả gói. Với lộ trình giải ngân trong 3 năm, tiến độ bước đầu như vậy được cho là rất chậm. Vậy nguyên nhân là gì?
Tổng số tiền giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng tính đến 3/8/2013 là 83,2 tỷ đồng

Thiếu nguồn cung nhà


Trả lời PV, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho biết, ngay sau khi có chủ trương về gói cho vay thuê, mua nhà ở, từ ngày 19/3, Ngân hàng đã tiếp nhận 37 hồ sơ, chấp nhận cho vay 6 hồ sơ, dư nợ đạt 4,2 tỷ đồng.

“Ngân hàng chưa giải ngân được nhiều do khách hàng chưa muốn dùng tiền vay ngân hàng để trả đợt đầu tiên cho chủ đầu tư nhằm hạn chế phần vay của ngân hàng”, ông Tâm cho biết.

Bà Mỹ Linh, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của VietinBank chia sẻ, đây là gói hỗ trợ mang tính xã hội nên Ngân hàng rất tích cực tham gia. Ngân hàng còn đăng quảng cáo về gói cho vay hỗ trợ nhà trên truyền hình liên tục thời gian vừa qua. Hiện, VietinBank là ngân hàng dẫn đầu trong 5 NHTM phê duyệt số lượng hồ sơ vay hỗ trợ nhà ở.

“Những vướng mắc liên quan đến thủ tục đã được NHNN, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý. Việc giải ngân chậm không phải do lỗi của các ngân hàng mà do cung trên thị trường thiếu”, bà Linh nói.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể. Các DN trước đây chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà phân tích, nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân đủ điều kiện vay mua, thuê, thuê mua nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở còn hạn chế là do nhà ở xã hội chưa được xây dựng nhiều, do trước đây, các doanh nghiệp phát triển bất động sản không chú trọng vào phân khúc này bởi lợi nhuận bị giới hạn 10%. Trong khi đó, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại cho phù hợp với tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, hầu hết các dự án nhà ở xã hội mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa ra thị trường.

“Bên cạnh đó, giá nhà xây dựng cao, DN vẫn phải đi vay ngân hàng để làm nhà xã hội, nên gặp nhiều khó khăn. Những dự án nhà ở giá thấp ở Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) đều thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, nhưng khách hàng và chủ đầu tư ký hợp đồng với nhau trước thời điểm 7/1/2013, theo quy định không được vay vốn từ gói hỗ trợ này”, ông Ninh nói.


Giải pháp: Tăng cung nhà ở xã hội


Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tốt, ngân hàng rất muốn đầu tư để không bị đọng vốn, nhưng nhu cầu đầu tư hiện nay rất yếu.

“Về phía các ngân hàng, nguồn vốn, thời hạn, lãi suất luôn sẵn sàng và cam kết cho vay đúng đối tượng”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Mạnh cho biết thêm, NHNN sẽ tiếp tục đôn đốc các NHTM tích cực triển khai, thông tin đầy đủ đến khách hàng, yêu cầu chấp hành đúng các quy định, hướng dẫn; đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã (phường) tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng để tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng; đề nghị Bộ Tư pháp trước mắt chỉ đạo các văn phòng công chứng chấp thuận công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà ở xã hội…

Ông Ninh cho biết, việc DN chú trọng đầu tư vào phân khúc khách hàng cao cấp mà không chú trọng vào nhà thu nhập thấp, trung bình đã được giải quyết trong Chiến lược Quốc gia năm 2020 tầm nhìn 2030. Việc phát triển nhà ở trên địa bàn toàn quốc là một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm, các địa phương phải thực hiện theo chương trình, kế hoạch, được HĐND thông qua. Ví dụ như tại Hà Nội, đến năm 2015, sẽ phát triển tối thiểu 15.500 căn hộ thu nhập thấp cho các đối tượng trên địa bàn, tránh tình trạng lệch pha về cung cầu như năm 2011 trở về trước.
Quy trình cho phép chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội phải qua nhiều bước. Việc thẩm định và cho phép, theo quy định, sẽ do UBND cấp tỉnh xem xét và chấp thuận trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng. Về việc này, các địa phương đang tích cực xem xét, như tại Hà Nội đã có 26 dự án được đề xuất, TP. HCM đã thành lập tổ công tác... Việc chuyển đổi căn hộ thương mại từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Xây dựng cũng đã hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.

“Dù những ngày đầu giải ngân chậm, nhưng với nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng, càng ngày, vốn từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ càng ra nhanh hơn”, ông Mạnh nói.

Giá chung cư Hà Nội lao dốc không phanh

Từ quý II/2011, thị trường căn hộ tại Hà Nội rơi vào khủng hoảng, cùng với tình hình chung của cả nước. Lượng căn hộ tồn kho tăng, giao dịch mua bán giảm sút, và điều quan trọng hơn cả là niềm tin của người mua nhà có nguy cơ “đổ vỡ” vì hàng loạt các cuộc tranh chấp khiếu kiện xảy ra. Một trong những yếu tố minh chứng tình hình của thị trường bất động sản, đó là giá bán.

  1. Biểu đồ thể hiện sự thay đổi giá trung bình/m2 của một căn hộ tại Hà Nội từ quý 2/2012.

Theo dữ liệu tổng hợp tin đăng từ Mua Bán Nhà Đất, giá căn hộ tại Hà Nội đã lao dốc với tốc độ chóng mặt từ năm 2012. Cụ thể, trong khi Q2/2012, giá trung bình một mét vuông căn hộ tại Hà Nội ngất ngưởng ở mức 27.38 tr/m2, thì sang đến quý kế tiếp, giá đã rớt hẳn xuống mức 25.87 tr/m2. Và ở các quý sau cho đến Q2/2013, sự xuống giá vẫn xuất hiện, với chênh lệch có phần ít hơn qua từng giai đoạn.

Hiện tại ở Q2/2013, mức giá trung bình mà Mua Bán Nhà Đất ghi nhận được qua các giao dịch mua bán căn hộ là 24.53 tr/m2. Giá trị giao dịch ở mức giá khoảng từ 1 tỷ - 2 tỷ chiếm số lượng nhiều nhất (chiếm trên 40% tất cả các giao dịch căn hộ tại Hà Nội). Khu vực thường có nhiều tin đăng nhất rơi vào các khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá, Gia Lâm, hay các khu đô thị đã hình thành lâu như khu đô thị mới Linh Đàm, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, …

Sự thay đổi về giá căn hộ này đã nói lên được nhiều điều. Đầu tiên là sự “chiều chuộng” của người bán đối với người mua. Để chiều lòng những khách hàng khó tính nhất, ngoài chất lượng căn hộ, lịch thanh toán tốt, tư vấn chu đáo, thì giờ đây những chiêu khuyến mãi, giảm giá liên tục được các chủ đầu tư cũng như sàn giao dịch áp dụng rầm rộ. Khách hàng đã lên ngôi “thượng đế” trong một thị trường mà kẻ bán nhiều hơn người mua.

Ngoài ra, việc thay đổi thói quen bán hàng cũng là một bước ngoặt khá lớn của giới buôn bán bất động sản Hà Nội thời gian gần đây. Qua các số liệu về tin đăng bất động sản liên tục tăng trên Mua Bán Nhà Đất (quý 3/2013 tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước), có thể thấy người bán đã chuyển từ hình thức buôn bán "truyền miệng" sang vận dụng những công nghệ mới như quảng cáo trực tuyến trên Internet, vừa giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực mà lại giúp tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. 

Tuy nhiên, về một mặt nào đó, việc các chỉ số giá lao dốc rõ ràng là một điều “nguy hiểm” cho thị trường, khi mà người mua nhà vẫn giữ tâm lý mong chờ giá sẽ xuống nữa rồi mới đưa ra quyết định. Điều này sẽ khiến cho thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục bế tắc, hàng tồn kho vẫn không ngừng tăng lên, gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành nghề liên quan khác như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất,…

Người mua nhà đang dần trở nên thông minh hơn, và chắc chắn họ sẽ suy nghĩ rất cẩn thận trước khi quyết định mua một căn hộ để an cư. Chúng tôi nghĩ rằng, việc đặt chữ “tín” lên hàng đầu khi xây dựng dự án và giao dịch với khách hàng là một điều vô cùng cần thiết trong thời buổi thị trường “tranh tối tranh sáng” như hiện nay.


Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Những gợi ý tuyệt vời cho không gian của "công chúa nhỏ"

Vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng để trang trí phòng bé gái thêm xinh xắn và tiện ích…


1. Hoạ tiết dán độc đáo


Một bộ sưu tập các hình ảnh trang trí xinh xinh như bươm bướm, hoa, chuồn chuồn, nàng tiên nhỏ,… chắc chắn sẽ làm cho phòng bé trở nên sinh động và ấn tượng hơn. Ngoài các loại ảnh dán, bạn cũng có thể sử dụng đề can trang trí để tô điểm thêm cho phòng của bé.
phòng ngủ bé gái
Sử dụng những hình dán đẹp mắt để tô điểm cho phòng bé.

2. Nội thất đa năng


Đối với một không gian chẳng mấy rộng rãi thì việc lựa chọn những món nội thất tích hợp “2 trong 1” sẽ tạo ra nhiều tiện ích cũng như giúp bé yêu của bạn có nhiều không gian để vui chơi hơn. Trong phòng ngủ dưới đây, chiếc giường tầng kết hợp tủ lưu trữ và kệ vừa đẹp mắt vừa đáp ứng được cả 2 yếu tố này đúng không nào? 
phòng ngủ bé gái
Sử dụng nội thất đa năng giúp bé có nhiều không gian chơi đùa hơn.

3. Phong cách vintage


Một phòng ngủ mang hơi hướng cổ điển thể hiện qua những món nội thất như tủ, giường và cách bày trí xinh xắn sẽ khiến các bé gái không thể chối từ. Sự nhẹ nhàng, lãng mạn sẽ giúp bé có những phút giây thư giãn thoải mái.
 
phòng ngủ bé gái
Phong cách vintage nhẹ nhàng và lãng mạn rất hợp với bé gái.

4. Trang trí tường


Trẻ con rất thích những bức tường màu sắc hoặc được trang trí đẹp. Không cần quá cầu kỳ, bạn vẫn có thể trang trí cho bức tường trở nên đẹp mắt và “không đụng hàng”. Những bức tranh phong cảnh hay vài con chữ được sắp xếp thành tên bé hoặc cụm từ có ý nghĩa để gửi gắm đến con yêu sẽ là ý tưởng tuyệt vời để trang trí phòng bé.
phòng ngủ bé gái
Bé sẽ rất thích những bức tường được trang trí đẹp mắt.


5. Không gian sáng tạo


Để phòng bé trở nên đa năng hơn thì ngoài chiếc giường ngủ đẹp mắt như thế này, bạn còn cần đến một không gian nhỏ để bé thoả sức sáng tạo. Chẳng hạn như một chiếc bàn nho nhỏ để bé tập vẽ, tập tô màu hay nặn đất sét cùng bạn bè…
phòng ngủ bé gái
Hãy cho bé một góc vui chơi sáng tạo ngay trong phòng riêng.

6. Màu sắc phù hợp


Một bảng màu mềm mại và quyến rũ như hồng, tím nhạt,… sẽ phủ lên phòng ngủ của cô công chúa nhỏ cảm giác yên bình và thư thái lạ kỳ. Những tông màu điệu đà này cũng luôn là lựa chọn hàng đầu trong trang trí phòng bé gái vì nó tạo nên một không khí cổ tích thần tiên.

phòng ngủ bé gái
Hồng, tím nhạt là những màu phù hợp với bé.

7. Bức rèm phân cách


Nếu bạn không muốn chiếc giường êm ái làm phân tán tư tưởng của bé khi đang ngồi trên bàn học thì cách tốt nhất là lắp đặt rèm cửa để tạo nên sự phân cách cho hai khu vực. Lưu ý màu rèm cũng nên “tông xuyệt tông” với bức tường để tăng tính thẩm mỹ nhé.

phòng ngủ bé gái
Những bức rèm vừa làm tăng sự mềm mại, vừa giúp phân chia các khu vực riêng biệt trong phòng.

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Choáng váng sự đồ sộ của tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa

Mua sắm, bơi, trượt băng, tắm nắng và ngủ, tất cả những hoạt động trên đều được mang đến cho du khách tại tòa nhà lớn nhất thế giới.

Tòa nhà New Century Global Center thuộc Chengdu, Tứ Xuyên Trung Quốc, đủ chỗ trống để chứa trong nó tới 20 nhà hát Sedney Opera hoặc chứa được 3 Lầu Năm góc của Mỹ. Bên trong tòa nhà phá vỡ nhiều kỉ lục này là những trung tâm mua sắm, bản sao của một ngôi làng Địa Trung Hải, một công viên nước, một sân trượt băng và nhiều khách sạn sang trọng
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Công viên nước Đảo Thiên Đường - một bãi biển nhân tạo tuyệt đẹp bên trong tòa nhà
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Bên trong phòng lớn nhất của New Century Global Center
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Kiến trúc độc đáo này nằm ở ngoại ô Thành Đô, phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Hồ nước rộng trước mặt bên ngoài tòa nhà
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Tòa nhà dài 500m, rộng 400m và cao 100m.
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
"Ngôi làng" mang dáng dấp Địa Trung Hải bên trong tòa nhà
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Theo các quan chức Trung Quốc, New Century Global Center là tòa nhà độc lập lớn nhất thế giới với thời gian xây dựng là 3 năm.
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Theo hướng dẫn viên Liu Xun, đây là một thành phố đại dương do con người tạo nên. Bên trong tòa nhà được lắp đặt một mặt trời nhân tạo cung cấp ánh sáng trong suốt 24h.
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
400 ngàn m2 được giành cho các shop, cửa hàng đồ lưu niệm, giúp các tín đồ mua sắm thỏa mãn đam mê của mình.
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Kiến trúc độc đáo bên trong tòa nhà
Cận cảnh bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới vừa mở cửa
Dubai có tòa nhà cao nhất thế giới. Trung Quốc đã có tòa nhà lớn nhất thế giới.

Khám phá Bitexco - tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn

 Tháp Tài chính Bitexco từng lọt top 5 trong danh sách 20 tòa tháp chọc trời ấn tượng nhất thế giới do Kênh Văn hóa Du lịch CNNGo của hãng tin CNN bình chọn.

Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Được lấy cảm hứng từ hình dáng quốc hoa – búp sen hé nở, tòa tháp Bitexo Finacial được thiết kế để tượng trưng cho sức sống và khát vọng của người Việt.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Tọa lạc tại số 45 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM, tòa tháp tài chính Bitexco có độ cao 262m gồm 68 tầng và hoàn thành tháng 11/2010.
Tháp có 3 tầng hầm và 68 tầng lầu được thiết kế bằng thép và kính
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Đặc biệt, hệ thống tường kính được sử dụng để đảm bảo hiệu quả cao về công năng sử dụng theo tiêu chí “thiết kế thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng”.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Loại kính cường lực này dày 28mm với 2 lớp kính dày 8mm mỗi bên và lớp khí cách âm, cách nhiệt dày 12mm ở giữa. Mỗi tấm kính đều phải có một độ cong khác nhau. Ngoài ra, hệ thống tường kính có thê thay đổi màu sắc theo mùa và theo thời điểm trong ngày khi tiếp nhận ánh sáng mặt trời.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Tòa tháp Bitexco Financial Tower cho phép chúng ta quan sát thành phố với góc nhìn 360 độ. Tầng quan sát nằm tại tầng 47 của tòa nhà, cho phép bạn tha hồ thưởng ngọan quang cảnh thành phố và sông Sài Gòn thơ mộng.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Bãi đáp trực thăng Nằm ở hướng Nam của tòa tháp Bitexco Financial Tower, tại tầng thứ 52 của. Kết hợp với hình khối của tòa tháp, sân đỗ trực thăng được ví như hình ảnh búp sen đang hé nở. Bãi đáp trực thăng là kết hợp của trên 250 tấn kết cấu thép và hơn 4000 bulông để liên kết.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Tháp được thiết kế bởi nhà kiến trúc sư nổi tiếng từng được nhiều giải thưởng, người từng thiết kế kiến trúc cho khách sạn Cooper Square cao 22 tầng ngay tại trung tâm thành phố New York. Ông Zapata cũng là nhà thiết kế kiến trúc cho một công trình khác của tập đoàn Bitexco là khách sạn J.W. Marriott tại Hà Nội.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Tháp cũng bao gồm khu văn phòng, khu nhà hàng, trung tâm mua sắm và ẩm thực.
Khám phá tòa nhà cao nhất, ấn tượng nhất Sài Gòn
Tòa tháp cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Vợ chồng trẻ đau đầu kiếm nhà dưới 1 tỉ

Mặc dù thị trường nhà đất đang ở thời điểm “bi đát” nhất, giá nhà đất và chung cư rớt thảm, nhưng mơ ước có một ngôi nhà gần trung tâm Hà Nội đối với các cặp vợ chồng trẻ vẫn rất xa vời.

Vợ chồng trẻ đỏ mắt tìm nhà gần trung tâm
Vợ chồng anh Nam – chị Hoa (Phú Thọ) mấy tháng này “ăn không ngon ngủ không yên” vì chuyện nhà cửa. Công việc thì bận rộn, nhưng hễ có thời gian rảnh, anh chị lại đèo nhau đi tìm nhà.
“Phải đến vài chục chỗ rồi. Hễ thấy ở đâu có nói bán đất giá tầm hơn 10 triệu/m2 là vợ chồng tôi chạy qua. Nhưng chỗ thì xa quá, chỗ thì không có sổ đỏ. Giá như có nhiều tiền hơn 1 chút nữa thì còn đỡ, chứ lỡ cỡ tầm hơn 1 tỉ thế này khó quá”.
Theo anh Nam, thì vợ chồng anh vừa bán căn chung cư ở Xa La vì quá xa chỗ làm. Được khoảng hơn 1 tỉ, anh chị muốn tìm một mảnh đất nhỏ khu Mễ Trì, Cầu Giấy, Từ Liêm để tiện công việc. “Nhưng tìm mãi không có chỗ nào hợp với số tiền của mình. Vì thế chúng tôi đành tìm lên mạn Kim Chung, Hoài Đức. Cũng tìm được 1 mảnh đất khoảng 50 m2, có nhà cấp 4 sẵn, giá khoảng 10 triệu/m2 nhưng suy đi tính lại, đường xá xa xôi, cộng thêm chủ nhà còn chần chừ, chúng tôi đành bỏ, tìm chỗ khác”.
 Vợ chồng trẻ đau đầu kiếm nhà dưới 1 tỉ
Hiện tại, sau khi bán đi căn chung cư ở Xa La, anh chị đang thuê 1 căn phòng nhỏ khu Xuân Thủy với mức giá thuê 2 triệu đồng/tháng. “Vợ chồng mình chuẩn bị sinh con, cũng muốn con cái có điều kiện sống tốt một chút, nhưng e chừng khó quá”.
Đồng cảnh ngộ, chị Lam, nhân viên một công ty Nhà nước, cũng đỏ mắt tìm nhà hơn 1 năm nay với số tiền tích cóp khoảng hơn 1 tỉ đồng.
Chị cho biết: “Tôi muốn mua chung cư, diện tích tầm 60-70m2, hoặc một miếng đất 30m2 rồi xây tạm nhà 1 tầng, miễn là ở gần trung tâm một chút. Nhưng với khoản tiền hơn 1 tỉ đồng ông bà 2 bên cho, vợ chồng tôi tìm cả năm nay vẫn không được chỗ nào ưng í”.
“Rất nhiều mảnh rao bán rất “đẹp”, gần trung tâm, thậm chí là trong nội thành, giá “trong mơ”, nhưng khi tìm hiểu ra, thì hầu như là không có sổ đỏ. Chung cư ở sẵn rồi thì giá gần khu trung tâm cao chót vót, chúng tôi không với tới nổi. Đi xa ngoại thành thì vợ chồng tôi không muốn, vì như chị biết đấy, bố mẹ nào cũng muốn sau này cho con cái một môi trường sống tốt, cũng là thuận tiện với điều kiện làm việc của cả 2 vợ chồng. Vì lẽ đó mà đến giờ, 2 vợ chồng đành thuê nhà ở tạm, tích cóp thêm được chút nào hay chút ấy”, chị Lam chia sẻ.
Có trên dưới 1 tỉ đồng, có thể mua nhà trong trung tâm?
Vốn sẵn kinh nghiệm nhiều năm lùng sục kiếm chỗ ở ổn định cho 2 vợ chồng, anh Quang, quê Bắc Ninh, kể: “Tôi từng mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ về những lựa chọn. Với số tiền 1 tỉ, thậm chí đến 1,5 tỉ thì việc muốn mua nhà đất khu trung tâm là rất khó, hầu như là không thể. Thị trường chung cư bây giờ thì hoàn thiện mới dám mua chứ đang dang dở thì chẳng nên đâm đầu vào. Những dự án trong tầm tiền đấy, chỉ có thể chấp nhận xa trung tâm. Với mục đích gần trung tâm, thì chỉ có chung cư mini là đáp ứng được về giá. Tuy nhiên tính pháp lý chưa rõ ràng là 1 cản trở khiến vợ chồng tôi e ngại…. Sau một thời gian suy đi tính lại, chúng tôi quyết định chọn mua căn nhà tập thể cũ. Rất may mắn là chúng tôi tìm được 1 căn tập thể 30m2 khu vực quận Thanh Xuân, giá 900 triệu đồng, sổ đỏ đàng hoàng. Số tiền còn lại dành để sửa sang, trang trí nội thất, cuộc sống cũng tạm ổn”.
Theo anh Quang, việc săn một chỗ ở “ngon lành” trong nội thành với tầm tiền trên dưới 1 tỉ là không hề dễ dàng. “Tôi đã tham khảo rất nhiều nơi, đi xem rất nhiều chỗ. Chỗ rẻ nhất tôi từng biết là căn nhà 5 tầng, giá hơn 1,2 tỉ, 25m2 ở khu vực quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, thủ tục lằng nhằng quá, sổ đỏ chưa có, không an toàn nên tôi không dám liều. Các thông tin rao bán đầy rẫy như đất nhà 500 triệu hay dưới 1 tỉ, đa phần đều là đất không sổ đỏ, rất mạo hiểm. Thôi vợ chồng trẻ, lại ở quê ra, chịu khó ở chật chội. Sau này đi làm vài năm thì cố tích cóp thay nhà khác. Được cái nhà giờ là nhà của mình, cũng yên tâm hơn và cuộc sống cũng dễ thở hơn”.
Trên thực tế, các cặp vợ chồng muốn có một chỗ an cư rẻ, lại ưu tiên gần trung tâm, thì chung cư mi ni và các căn nhà tập thể cũ là sự lựa chọn hợp lý nhất. Trong đó, một căn hộ tập thể cũ có tính pháp lý ổn định sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, đây lại là một kênh nguồn cung khá khan hiếm. Chính vì ưu thế đó mà hầu như căn nào ra thị trường là hết sạch căn đấy. Do đó, những ai kém máy mắn chỉ còn cách ôm tiền và tiếp tục tìm kiếm.
Trong khi đó, ông Chris Brown – Giám đốc điều hành Công ty BĐS Cushman & Wakefield Việt Nam, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về thị trường BĐS Việt Nam nhận định: “Sẽ có khoảng 1.500 dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng bảy năm tới trên toàn Việt Nam. Tuy nhiên, do quỹ đất trung tâm hạn hẹp, và giá đất cao, hầu hết nguồn cung tương lai tập trung tại khu vực ngoại thành”.
Chia sẻ về việc này, chị Lam cho biết: “Việc mua 1 căn nhà hoặc 1 mảnh đất ở ngoại thành cũng nằm trong tầm ngắm của 2 vợ chồng. Tuy nhiên, như chị biết đấy, việc học hành của con cái và môi trường sống là vô cùng quan trọng, do đó, với điều kiện Việt Nam, tôi vẫn muốn tìm được 1 căn nhà dù nhỏ trong nội thành để sinh sống”.

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Người nước ngoài mua nhà dễ hơn

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.


Hai phương án


Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, mới có 126 trường hợp (80% là cá nhân và 20% của tổ chức) mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa…

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, hiện có nhiều đối tượng muốn sở hữu nhà ở Việt Nam nhưng lại không nằm trong 5 đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 19. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, chủ sở hữu nhà ở là các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Điều này khiến những người phải thay đổi nơi làm việc không thể cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng.

Việc quy định cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ trong 50 năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà tương ứng với thời gian ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến việc không khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.

Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Trong ảnh: Một khu dân cư ở huyện Bình Chánh, TP HCM
 
Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng quy định để nhiều đối tượng được sở hữu nhà. Theo đó, đối với tổ chức thì cho phép các quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ). Đối với cá nhân, cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trừ những người đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra 2 phương án về số lượng nhà ở được sở hữu. Phương án thứ nhất: Cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng tại Việt Nam; đối với tổ chức thì căn cứ vào số lượng người nước ngoài đang làm việc cho tổ chức đó mà cho phép sở hữu nhiều căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo nhu cầu. Phương án thứ hai: Cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kề). Ngoài ra, có thể cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở không quá 70 năm và không được gia hạn.


Mở rộng nhưng vẫn kiểm soát


Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua. Người nước ngoài cũng có thể được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng thì phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành.

Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Trong ảnh: Một khu dân cư ở Phú Mỹ Hưng, TP HCM
 
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho rằng không nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở tại Việt Nam.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng nhưng TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng đi kèm với đó phải có những quy định chặt chẽ để phòng ngừa những vấn đề phức tạp có thể xảy ra. “Không thể để xảy ra tình trạng người nước ngoài mua nhà rồi hình thành khu phố mang đặc trưng văn hóa khác ngay trong lòng văn hóa Việt Nam”- ông Liêm kiến nghị.

Về lo ngại này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết chỉ đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại. Nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường, không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn (tương đương không quá 10% dân số của một phường).

Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng đề xuất của Bộ Xây dựng có thể giúp giải phóng một lượng không nhỏ hàng tồn bất động sản. Hơn nữa, nhà mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài thường hướng tới thuộc tầm trung và cao cấp nên sẽ không tác động xấu tới giá cả và nhu cầu về nhà ở của các đối tượng đang khó khăn về nhà ở trong nước.


Đề xuất thêm đối tượng


Ngoài 5 đối tượng quy định trong Nghị quyết số 19, Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng thêm đối tượng được mua nhà gồm: 1- Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó. 2- Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương, huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 3- Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ ĐH hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu. 4- Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam. 5- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Theo Bộ Xây dựng, ngoài những đối tượng nói trên cần bổ sung đối tượng khác để thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng. Dự kiến, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19 sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm nay.